Viêm mũi xoang do nấm là một dạng đặc biệt của viêm xoang và chiếm khoảng 10% trong số các ca bệnh viêm xoang trên thế giới.
Viêm mũi xoang do nấm là gì?
Viêm mũi xoang do nấm là một thuật ngữ rộng được sử dụng để mô tả các tình trạng khác nhau khi nấm có thể liên quan đến nguyên nhân hoặc triệu chứng của viêm mũi xoang.
Nấm là một “vương quốc” hoàn toàn tách biệt với thực vật và động vật; chúng giống thực vật nhưng không thể tự tổng hợp chất hữu cơ như thực vật. Vì chúng không chứa một số protein mà thực vật sử dụng để khai thác năng lượng mặt trời nên nấm phải hấp thụ chất dinh dưỡng từ các sinh vật khác. Thông thường, nấm lấy chất dinh dưỡng từ các sinh vật chết hoặc sắp chết, nhưng cũng có thể lây nhiễm sang người (như nhiễm trùng da hoặc móng chân).
Số lượng ca bệnh nhiễm nấm đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Một phần của điều này có thể liên quan đến việc tăng khả năng phát hiện nấm trong môi trường của chúng ta, nhưng cũng có thể là do những nguyên nhân khác. Trong khi cơ thể thường có khả năng chống lại nấm một cách dễ dàng, thì các tình trạng khác có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, có thể tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh. Điều này bao gồm các tình trạng như tiểu đường, bệnh bạch cầu hoặc u lympho, suy giảm miễn dịch bẩm sinh (hệ thống miễn dịch không hoạt động do vấn đề di truyền), lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc để ngăn ngừa thải ghép nội tạng và các tình trạng khác.
Các triệu chứng của viêm mũi xoang do nấm
Các triệu chứng của viêm mũi xoang do nấm cũng tương tự như các dạng viêm mũi xoang khác, bao gồm:
- Ngạt mũi
- Đau/căng tức vùng mặt
- Giảm/mất ngửi hoặc mùi hôi trong mũi
- Chảy mũi
Viêm mũi xoang do nấm có thể khá nghiêm trọng ở những ai có hệ thống miễn dịch bị suy giảm và có thể gây ra:
- Biến đổi màu da (xanh xao hoặc sạm)
- Tê bì vùng mặt
- Sưng nề má hoặc mi mắt
Nguyên nhân gây viêm mũi xoang do nấm
Có 4 loại viêm mũi xoang do nấm:
- Nấm hoại sinh – Tình trạng này xảy ra khi nấm phát triển trên lớp chất nhầy hoặc lớp vảy bên trong mũi. Trong trường hợp này, nấm không thực sự lây nhiễm vào mô niêm mạc mũi mà chỉ “sống” nhờ chất nhầy trong mũi. Điều này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ngoài các triệu chứng thông thường và cách điều trị chỉ đơn giản là làm sạch vảy bằng cách rửa mũi hoặc các phương pháp khác.
- Cầu nấm – Tình trạng này là do nấm bị mắc vào một trong các xoang, tạo thành các khối thường chứa vi khuẩn. Điều này thường gặp nhất ở xoang hàm trên và thường xảy ra ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Thường không có triệu chứng gì, chỉ hơi khó chịu cho đến khi khối nấm phát triển đủ lớn làm bít lấp lòng xoang. Dạng viêm mũi xoang do nấm này đòi hỏi phải phẫu thuật để mở và rửa sạch xoang. Thuốc chống nấm thường không được sử dụng.
- Viêm mũi xoang nấm dị ứng (AFS) – Dạng viêm mũi xoang do nấm này là kết quả của phản ứng dị ứng với bất kỳ loại nấm thông thường nào và thường xảy ra ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Bệnh nhân chỉ có thể nhận thấy các triệu chứng giống dị ứng như ngạt mũi, chảy mũi và hắt hơi. Khi AFS trở nên nặng hơn, nó có thể khiến xoang chứa đầy chất nhầy dày đặc. Cuối cùng, các xoang có thể giãn rộng và bắt đầu thay đổi diện mạo của mắt và khuôn mặt. Phẫu thuật là cần thiết để điều trị dạng viêm mũi xoang này và nếu không tiếp tục điều trị nội khoa sau mổ thì bệnh sẽ tái phát.
- Viêm mũi xoang do nấm xâm nhập – Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở niêm mạc mũi và xoang, có thể dẫn đến phá hủy mô mũi/xoang. Có ba dạng viêm xoang do nấm xâm nhập khác nhau:
+ Viêm mũi xoang do nấm xâm nhập dạng không rõ rệt/u hạt mạn tính là một căn bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường nhưng vì lý do nào đó sự hiện diện của nấm dẫn đến phản ứng miễn dịch nghiêm trọng phá hủy niêm mạc mũi.
+ Viêm mũi xoang nấm xâm nhập mạn tính được thấy ở những bệnh nhân không có hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Thông thường, điều này được thấy ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Nấm xâm nhập vào mô xoang nhưng bệnh tiến triển rất chậm.
+ Viêm mũi xoang do nấm xâm nhập cấp tính được thấy ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy giảm nghiêm trọng. Bệnh nhân tiểu đường nặng, bệnh nhân cấy ghép và những người mắc bệnh u lympho hoặc bệnh bạch cầu có nguy cơ cao nhất. Trong nhóm bệnh này, nấm xâm nhập và phá hủy các mạch máu ở mũi dẫn đến hoại tử mô đó. Đây là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và thường phải phẫu thuật cấp cứu và dùng thuốc chống nấm.
Các phương pháp điều trị là gì?
Các phương pháp điều trị điển hình được ghi nhận trong từng nguyên nhân được mô tả ở trên. Thông thường, cần phải thực hiện một số loại phẫu thuật hoặc thủ thuật để loại bỏ nấm, chất nhầy chứa nấm và đôi khi là mô bị tổn thương.
Thuốc kháng nấm cũng có thể được sử dụng nhưng không thể thiếu phẫu thuật. Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc chống nấm nhóm “azoles”, chẳng hạn như itraconazole, có thể hữu ích trong điều trị viêm mũi xoang do nấm dị ứng. Với viêm mũi xoang do nấm xâm lấn, việc sử dụng thuốc chống nấm là cần thiết.
Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì?
- Làm thế nào để biết liệu bệnh viêm mũi xoang của tôi có liên quan đến nấm hay không?
- Chúng ta nên xem xét phương pháp điều trị kháng nấm bằng đường uống hay rửa tại chỗ?
- Tôi cần loại phẫu thuật nào?
- Tôi có cần phẫu thuật nhiều lần không?
Viêm xoang do nấm là một bệnh nhiễm trùng xoang do nấm. Những người có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng. Phụ nữ có nhiều khả năng bị nấm bóng hơn nam giới. Nên theo dõi sức khỏe thường xuyên, khi thấy có dấu hiệu lạ cần đi thăm khám sớm.
>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!