Viêm amidan cấp ở trẻ em

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 22/06/2024

Viêm amidan cấp tính do nhiều nguyên nhân gây nên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp viêm amidan cấp tính đều xuất phát từ nguyên nhân nhiễm phải virus, vi khuẩn. Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus phát triển, tấn công và lây lan mạnh mẽ.

viem-amidan-cap

Viêm amidan cấp là gì?

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm tổ chức amidan, thường do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn) gây ra. Amidan là những tổ chức lympho nằm ở hai bên và phía sau cổ họng, giúp hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi bị viêm, amidan thường sưng tấy đỏ.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan cấp

viem-amidan-cap

Khi amidan bị viêm, chúng thường bị sưng tấy đỏ, có chấm mủ và có thể được bao phủ bởi giả mạc hoặc hốc màu vàng hoặc trắng. Một đứa trẻ bị viêm amidan có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Sưng hạch bạch huyết (đôi khi được gọi là “tuyến” sưng tấy) ở cổ
  • Khó nuốt
  • Đau bụng
  • Đau đầu

Nguyên nhân của viêm amidan cấp

Viêm amidan cấp thường do virus gây ra, chẳng hạn như:

  • Vi-rút adeno
  • Vi-rút cúm
  • Vi-rút Epstein-Barr

Vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh, phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (còn được gọi là viêm họng liên cầu khuẩn). Đặc biệt, mặc dù hiếm khi xảy ra, viêm amidan có thể do nguyên nhân không từ nhiễm trùng.

Ai có nguy cơ bị viêm amidan?

Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan, nhưng bệnh này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Viêm họng liên cầu khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5–15 tuổi.

Chẩn đoán viêm amidan cấp

viem-amidan-cap

Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bao gồm kiểm tra họng, miệng và vùng cổ. Các bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm vi khuẩn trực tiếp từ amidan bằng que tăm bông:

  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh cho kết quả trong vòng vài phút.
  • Gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy vi khuẩn, mất vài ngày.

Nếu xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh âm tính, bác sĩ sẽ nuôi cấy để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Điều trị viêm amidan cấp

Điều trị viêm amidan phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Nếu do virus, cơ thể thường sẽ tự chống lại nhiễm trùng.
  • Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh. Điều quan trọng là cho trẻ dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ dẫn. Điều này giúp các triệu chứng khỏi nhanh chóng và ngăn ngừa lây nhiễm sang người khác.

Điều quan trọng là trẻ phải uống thuốc đúng theo đơn – ngay cả khi con bạn cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày dùng thuốc – nếu không tình trạng nhiễm trùng có thể quay trở lại. Điều này cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng khác mà liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra, chẳng hạn như sốt thấp khớp (có thể gây tổn thương cho tim), bệnh thận hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn ở các bộ phận khác của cơ thể.

Bác sĩ tai mũi họng có thể chỉ định cắt amidan (phẫu thuật cắt bỏ amidan) khi amidan của trẻ bị viêm dai dẳng hoặc quá phát khiến trẻ khó thở hoặc ngừng thở vào ban đêm. Cắt amidan là phẫu thuật được thực hiện thường xuyên tại các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc xem liệu phẫu thuật cắt amidan có phải là phương pháp lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân hay không. Phẫu thuật cắt amidan có thể được cân nhắc nếu trẻ có 7 đợt đau họng trong 1 năm, 5 đợt trong 2 năm liên tiếp hoặc 3 đợt trong 3 năm liên tiếp.

Cách chăm sóc trẻ khi bị viêm amidan

Hãy chắc chắn rằng trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều.
Nếu trẻ nuốt đau, hãy cho trẻ ăn đồ lỏng và thức ăn mềm. Một số trẻ thích đồ ấm như súp hoặc trà ngọt, trong khi một số khác thích cảm giác mát trong cổ họng, chẳng hạn như sữa lắc, sinh tố.
Trẻ lớn hơn có thể ngậm kẹo cứng hoặc viên ngậm trị đau họng.
Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau họng. Tuy nhiên, đừng cho trẻ dùng aspirin hoặc các sản phẩm khác có chứa aspirin vì những thứ này có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Viêm amidan có lây không?

Viêm amidan có thể truyền nhiễm. Nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc bắt tay có thể truyền vi trùng gây bệnh từ người này sang người khác.

Phòng ngừa viêm amidan

  • Cố gắng giữ trẻ tránh xa những người đã bị viêm amidan hoặc đau họng.
  • Đảm bảo mọi người trong gia đình rửa tay kỹ và thường xuyên.
  • Nếu có người trong gia đình bị viêm amidan, hãy để riêng ly uống nước và dụng cụ ăn uống của họ, đồng thời rửa chúng bằng nước xà phòng nóng. Họ không nên dùng chung thức ăn, đồ uống, khăn ăn hoặc khăn tắm với các thành viên khác trong gia đình. Đưa cho họ một bàn chải đánh răng mới sau khi họ đã được điều trị và không còn khả năng lây nhiễm nữa.

Những điều cần lưu ý

Nếu cơn đau họng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở một bên, hãy gọi cho bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của áp xe quanh amidan. Điều này xảy ra khi vi khuẩn lây lan từ amidan đến khu vực xung quanh và làm ứ mủ áp xe hóa. Các dấu hiệu khác của áp xe bao gồm sốt, nhức đầu, đau tai, chảy nước dãi hoặc giọng ngậm hạt thị. Điều trị áp xe có thể được thực hiện tại bệnh viện bằng phẫu thuật để dẫn lưu nhiễm trùng. Cắt amidan có thể được cân nhắc cho những trẻ đã bị áp xe quanh amidan một lần.

>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!