Tạo hình chít hẹp ống tai ngoài

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 23/04/2024

Tạo hình chít hẹp ống tai ngoài là phẫu thuật phục hồi lại ống tai ngoài, cả phần mềm và phần xương đến tận màng nhĩ.

tao-hinh-chit-hep-ong-tai-ngoai

Hẹp ống tai bên ngoài là gì?

Hẹp ống tai ngoài là một tình trạng hiếm gặp trong đó phần giữa của ống tai bị chặn hoặc chít hẹp khiến thính giác của bạn bị suy giảm hoặc nặng nề hơn là mất đi. Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng chung dù là bẩm sinh hay mắc phải là gây suy giảm thính giác. Nếu mức độ hẹp nhẹ thì có thể bạn chỉ cảm thấy thính giác của bạn bị giảm ít, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của mình. Nếu hẹp nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị mất thính lực (điếc) và thường xuyên bị viêm ống tai bên ngoài.

Bẩm sinh

  • Bít hay chít hẹp ống tai ngoài, có thể kèm cả sụn, xương ống tai.
  • Nghe kém do giảm dẫn truyền âm thanh từ bên ngoài.
  • Đau, viêm tai vì dịch tiết bên trong ống tai không thoát ra ngoài được.

Mắc phải

  • Ống tai hẹp, khó khăn khi ngoáy tai.
  • Chảy dịch tai.
  • Đau tai.
  • Nếu để ứ đọng chất biểu bì lâu ngày có thể hình thành nút ráy tai bên trong chỗ hẹp.

Nếu da và mảnh tế bào bị mắc kẹt trong ống tai và phía sau màng nhĩ có thể khiến bạn mắc bệnh Cholesteatoma, một dạng u nang không ung thư phát triển ở tai giữa hoặc ống tai. Bệnh lý này có thể phá hủy nhiều cấu trúc quan trọng trong tai bao gồm cả các xương mỏng của tai giữa. Điều này làm tổn thương tai giữa và làm nặng nề hơn tình trạng mất thính giác, gây nhiễm trùng tai tái phát.

Những ai có nguy cơ mắc?

Những người không vệ sinh tai kỹ và đúng cách gây tình trạng viêm tai ngoài tái phát thường xuyên hoặc những người mắc bệnh ung thư nhất là vùng đầu cổ cần điều trị bằng xạ trị là những đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn.

Độ tuổi thường được chẩn đoán mắc hẹp ống tai ngoài bẩm sinh là 3 – 5 tuổi, trong đó trẻ nam thường gặp hơn trẻ gái.

Phương pháp điều trị

Đối với hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh

Tất cả trẻ em bị hẹp ống tai bên ngoài đều cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng theo dõi chặt chẽ và thường xuyên. Bác sĩ sẽ kiểm tra thính giác của trẻ và tìm kiếm các bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng này.

Nếu bị hẹp mức độ nhẹ, trẻ có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bị hẹp mức độ nặng trẻ có thể cần phải phẫu thuật để mở rộng ống tai hoặc tạo hình ống tai (nếu ống tai bên ngoài bị teo). Độ tuổi được khuyến nghị thực hiện phẫu thuật là từ 5 tuổi trở lên. Sau phẫu thuật cần tái khám thường xuyên để kiểm tra ống tai mới tạo không bị thu hẹp do mô sẹo hình thành sau mổ.

Trẻ cũng có thể sử dụng thiết bị trợ thính nhằm khuếch đại âm thanh nếu có tình trạng mất thị lực.

Đối với hẹp ống tai bên ngoài mắc phải

Nội khoa

Thuốc điều trị có vai trò còn nhiều hạn chế. Mục tiêu của thuốc là kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và phòng ngừa hình thành các mô hạt. Những người có sử dụng thiết bị trợ thính không được sử dụng thiết bị ở tai bị nhiễm trùng. Vệ sinh tai thường xuyên cần được chú ý trong quá trình điều trị nhằm loại bỏ các mảnh tế bào và da chết.

Kháng sinh và kháng viêm như steroid tại chỗ dưới dạng nhỏ tai hoặc dạng bột cũng được chỉ định nếu bạn có tình trạng viêm nhiễm tai. Thuốc giảm đau có thể được kê đơn thêm cho bạn nếu bạn có tình trạng đau gây khó chịu.

Thiết bị trợ thính nhằm khuếch đại âm thanh có thể được khuyến cáo sử dụng nếu thính giác của bạn bị ảnh hưởng nhiều gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc của bạn.

Ngoại khoa

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ mô biểu bì bên trong chỗ hẹp, để lộ màng nhĩ và tái tạo lại ống tai bên ngoài. Không phải tất cả bệnh nhân đều cần phải phẫu thuật. Cần xem xét các vấn đề học tập, sinh hoạt, công việc và xã hội để đưa ra quyết định cuối cùng.