Rò luân nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai và thường được phát hiện khi trẻ vừa chào đời.
Rò luân nhĩ là gì?
Lỗ rò luân nhĩ còn được gọi là nang hoặc xoang rò luân nhĩ. Lỗ rò về cơ bản là đường rò (xoang) chạy dưới da mà bình thường không có; nó được biểu hiện bởi một lỗ nhỏ ngay phía trước tai và phía trên ống tai. Trong một số trường hợp không điển hình, lỗ rò xuất hiện dưới ống tai, gần dái tai hơn.
Đường đi của đường rò bên dưới da có thể ngắn hoặc dài và quanh co, với nhiều nhánh rộng. Thường một tai chỉ có 1 lỗ rò luân nhĩ.
Lỗ rò luân nhĩ là bẩm sinh, nghĩa là trẻ em được sinh ra với tình trạng này khi sự phát triển của tai bị thay đổi sớm trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này không liên quan đến suy giảm thính lực và hiếm khi liên quan đến hội chứng di truyền hay các vấn đề khác. Một em bé sinh ra với lỗ rò luân nhĩ sẽ được khám để loại trừ các bất thường khác liên quan đến các hội chứng này.
Đối với trẻ có lỗ rò luân nhĩ, có thể dẫn đến nhiễm trùng, bao gồm cả các khối nhỏ chứa mủ được gọi là áp xe. Khi một đứa trẻ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn đường rò. Nếu lỗ rò không nhiễm trùng và không gây ra biến chứng gì thì có thể để nguyên không can thiệp gì.
Lỗ rò luân nhĩ khác với nụ thịt thừa trước tai (là những khối da thịt ở phía trước tai mà không có đường rò kèm theo). Nó chỉ gây vấn đề về thẩm mỹ chứ không có nguy cơ nhiễm trùng như lỗ rò luân nhĩ.
Mặt khác, lỗ rò luân nhĩ ít gây vấn đề nghiêm trọng nguy hiểm và cần phải được phân biệt với nang , rò khe mang. Nang, rò khe mang, có thể xuất hiện như một lỗ rò nhỏ hoặc vết lõm, sẹo ở bên cổ hoặc sau tai, có thể bị nhiễm trùng và chảy dịch.
Tất cả các dị tật như vậy của tai ngoài xuất hiện ở dưới 1% trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Chúng được coi là một khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến, ngay cả khi tỷ lệ xuất hiện có vẻ thấp. Trai và gái đều bị ảnh hưởng như nhau. Và mặc dù những dị tật này không nhất thiết di truyền trong gia đình, nhưng khi cả hai tai đều xuất hiện thì có thể liên quan đến tiền sử gia đình.
Nguyên nhân
Tai ngoài được hình thành trong tuần thứ sáu của thai kỳ. Khi sự phát triển của tai gặp phải vấn đề về sự hợp nhất, lỗ rò luân nhĩ sẽ hình thành.
Dấu hiệu và triệu chứng
Trẻ em bị rò luân nhĩ không phải lúc nào cũng biểu hiện loạt các triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Có thể nhìn thấy một lỗ nhỏ ở phía trước một hoặc cả hai tai.
- Một lỗ rò trông giống như một hố lõm
- Sưng, đau, sốt, tấy đỏ hoặc có mủ trong và xung quanh lỗ rò, báo hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm tấy hoặc áp xe.
- Một khối phồng không đau phát triển chậm ngay cạnh lỗ rò, có thể là nang . U nang xuất hiện cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hội chứng liên quan
- Dái tai không cân xứng và lưỡi to bất thường cùng với các vết rỗ ở phía trước tai có thể là dấu hiệu của hội chứng Beckwith-Wiedemann. Hội chứng này có liên quan đến những bất thường ở bụng, thận và gan.
- Các lỗ rò ở một bên cổ, lò rò luân nhĩ, mất thính giác và các bất thường ở thận đều có thể là dấu hiệu của hội chứng khe mang – thận
Chẩn đoán rò luân nhĩ
Lỗ rò luân nhĩ có thể không được chú ý khi mới sinh. Khi thấy lỗ rò này hãy đến gặp bác sĩ tai mũi họng. Bác sĩ tai mũi họng có thể thực hiện đánh giá thích hợp về lỗ rò và nguy cơ liên quan. Trong quá trình đánh giá, bác sĩ tai mũi họng có thể:
- Loại trừ các hội chứng di truyền khác nhau gây ra các dị tật ở mặt và đầu; một số hội chứng gây ra những bất thường nghiêm trọng hơn ở tai, bao gồm vành tai gấp hoặc không đối xứng và mất thính lực. Đôi khi, những bất thường bổ sung này có thể rất nhẹ và khó nhận thấy, nhưng dưới sự thăm khám cẩn thận, các bác sĩ chuyên khoa có thể nhận ra chúng.
- Kiểm tra lỗ rò của trẻ và tìm dấu hiệu của u nang hoặc nhiễm trùng.
- Thực hiện chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI có độ tương phản, trong trường hợp lỗ nằm ở vị trí không điển hình, chẳng hạn như bên dưới ống tai ngoài (gần dái tai) điều này có thể được báo hiệu bằng tình trạng sưng tấy thường xuyên. Hình ảnh cũng thường được khuyến khích khi lỗ xuất hiện cùng với các bất thường khác ở tai ngoài.
- Thực hiện chẩn đoán hình ảnh để giúp bác sĩ phân biệt u nang và ổ áp xe
Thực hiện siêu âm thận nếu con bạn có hố trước tai và đường rò khe mang để loại trừ hội chứng khe mang – thận - Đo thính lực đồ nếu đường rò có liên quan đến các biến dạng khác của tai ngoài. Bản thân có lỗ rò thường không yêu cầu trẻ kiểm tra thính giác. Khuyến cáo xác nhận thính giác bình thường cho trẻ bị dị tật tai.
- Đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa thích hợp nếu trẻ có những bất thường về hệ cơ quan hoặc các đặc điểm hội chứng khác.
Điều trị rò luân nhĩ
Bác sĩ tai mũi họng là bác sĩ chuyên khoa tốt nhất để thăm khám và thực hiện điều trị cho đường rò luân nhĩ. Ngoài ra, nếu đường rò phức tạp cùng cần phải phẫu thuật cắt bỏ, nên khám và phẫu thuật bởi nhưng phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Theo dõi nếu không bị nhiễm trùng.
- Kê đơn thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ nếu lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm mẩn đỏ và sưng tấy.
- Thực hiện chọc hút bằng kim đối với trường hợp nhiễm trùng hình thành ổ áp xe, nếu nó không đáp ứng với kháng sinh.
- Bác sĩ có thể “nuôi cấy” hoặc kiểm tra vi khuẩn bằng việc cấy mủ.
- Thực hiện chích rạch và dẫn lưu nếu áp xe không đáp ứng với chọc hút bằng kim.
- Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đường rò nếu hay bị nhiễm trùng tái phát. Phẫu thuật được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân và có thể mất tới một giờ; nó có thể được thực hiện tại một cơ sở ngoại trú. Bác sĩ phẫu thuật thường sẽ trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tình trạng viêm ổn định. Các đường rò phía sau ống tai ngoài cần có hai vết mổ để lấy bỏ hoàn toàn đường rò.
Tiên lượng
Một đứa trẻ có đường rò luân nhĩ thường khỏe mạnh. Thông thường, mọi người hiếm khi nhận thấy lỗ rò trước tai có thể nhầm nó với lỗ xỏ khuyên tai. Lỗ rò có thể được để nguyên không can thiệp, trừ khi nó bị nhiễm trùng hoặc u nang tái phát. Trong trường hợp đó, phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đường rò sẽ giải quyết bệnh hoàn toàn.
Theo dõi
Nếu con bạn đã được điều trị viêm và nhiễm trùng đường rò luân nhĩ, trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ. Nhiễm trùng tái phát sẽ cần phải phẫu thuật.
Nếu con bạn phải phẫu thuật để lấy bỏ đường rò, trẻ thường được đưa đến các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để thực hiện phẫu thuật này. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ chăm sóc vết mổ và đặt lịch hẹn khám lại. Con bạn thường có thể trở lại trường học trong 1 tuần nhưng sẽ phải tránh các hoạt động gắng sức trong vài tuần.
>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!