Polyp mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 08/07/2024

Polyp mũi là những khối u mềm, không đau, không phải ung thư có thể hình thành trong niêm mạc mũi hoặc xoang. Chúng thường xảy ra nhất ở những người bị hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng tái phát hoặc viêm mũi. Thuốc và phẫu thuật có thể làm teo nhỏ polyp mũi và làm giảm các triệu chứng.

polyp-mui

Polyp mũi là gì?

Polyp mũi là các khối phát triển bất thường trong hốc mũi hoặc trong các xoang cạnh mũi. Polyp mũi không phải là ung thư.

Polyp mũi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Khi khối polyp mũi phát triển lớn hơn có thể làm ngạt/tắc mũi; dẫn đến khó khăn khi thở qua mũi, giảm/mất ngửi hoặc viêm mũi xoang.

Polyp mũi có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, tuy nhiên tỷ lệ phổ biến hơn ở người trẻ và trung niên. Điều trị nội khoa thường có thể giúp thu nhỏ kích thước hoặc thậm chí giúp hết hoàn toàn polyp mũi, nhưng đôi khi cần phẫu thuật để lấy đi các khối polyp mũi.

Cần chú ý rằng, sau khi điều trị phù hợp, polyp mũi vẫn thường dễ tái phát.

Triệu chứng của polyp mũi

polyp-mui

Polyp mũi thường liên quan chặt chẽ đến tình trạng viêm niêm mạc trong ổ mũi và trong các xoang với sự kích thích và phù nề, kéo dài trên 12 tuần. Tình trạng này còn được gọi là viêm mũi xoang mạn tính. Mặc dù vậy, chúng ta hoàn toàn có thể gặp các trường hợp viêm xoang mạn tính mà không có polyp mũi.

Những người có polyp mũi kích thước nhỏ có thể không biểu hiện triệu chứng. Nhưng những trường hợp có nhiều polyp mũi hoặc polyp có kích thước lớn thường gây triệu chứng ngạt/tắc mũi.

Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi xoang mạn tính có polyp mũi bao gồm:

  • Chảy mũi, ngạt mũi
  • Chảy dịch mũi sau hay cảm giác có đờm chảy xuống họng
  • Giảm/mất ngửi
  • Giảm/mất vị giác
  • Đau nhức vùng mặt hoặc đau đầu
  • Đau răng
  • Cảm giác nặng mặt, vùng trán
  • Ngủ ngáy

Nguyên nhân

Hiện nay nguyên nhân dẫn đến polyp mũi còn chưa được làm sáng tỏ.

Yếu tố nguy cơ

Nhiễm trùng, dị ứng hoặc bất kỳ tình trạng nào gây viêm mũi xoang dai dẳng dài đều có thể làm tăng nguy cơ bị polyp mũi.

Các tình trạng thường liên quan đến polyp mũi bao gồm:

  • Hen phế quản.
  • Nhạy cảm với aspirin.
  • Bệnh xơ nang.
  • Nhiễm trùng răng.
  • Thiếu vitamin D.
  • Có tiền sử gia đình mắc polyp mũi

Biến chứng của polyp mũi

Một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm xoang mạn tính có polyp mũi là khiến bệnh hen phế quản trở nên trầm trọng hơn.

Phòng ngừa

Những điều sau đây có thể giúp giảm nguy cơ bị polyp mũi hoặc giúp giảm tái phát polyp mũi sau khi điều trị:

  • Quản lý tốt dị ứng và hen phế quản. Cần tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ. Đảm bảo các triệu chứng bệnh dị ứng và hen phế quản được kiểm soát. Khám bác sĩ kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.
  • Tránh các yếu tố có thể gây kích ứng mũi: khói thuốc lá, hóa chất và bụi.
  • Rửa tay thường xuyên. Đây là một trong những cách tốt nhất để hạn chế các dị nguyên, vi khuẩn có thể gây kích ứng, viêm mũi xoang.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí. Điều này có thể giúp giảm ngạt và kích ứng mũi. Cần định kỳ vệ sinh máy tạo độ ẩm theo hướng dẫn để ngăn vi khuẩn phát triển.
  • Dùng nước rửa mũi. Dùng chai xịt phun sương hoặc bình rửa mũi có thể giúp loại bỏ các tác nhân gây kích ứng mũi. Bạn có thể mua chai nước muối xịt mũi và bộ dụng cụ rửa mũi mà không cần kê đơn. Bộ dụng cụ rửa mũi đi kèm với bình bóp và hướng dẫn cách sử dụng.

Nước để pha rửa mũi bao gồm: nước cất, nước vô trùng, nước đun sôi để nguội hoặc nước từ các bình lọc có bộ lọc có kích thước dưới 1 micron. Rửa sạch bình sau mỗi lần sử dụng bằng các loại nước để pha bình rửa mũi trước đó và để mở nắp cho khô.

Chẩn đoán polyp mũi

polyp-mui

Chẩn đoán polyp mũi dựa trên khai thác bệnh sử, các triệu chứng và dấu hiệu khi khám thực thể.

Các thăm dò để chẩn đoán polyp mũi bao gồm:

  • Nội soi mũi: Sử dụng ống nội soi cứng hoặc mềm để quan sát được các cấu trúc sâu bên trong ổ mũi giúp quan sát rõ polyp mũi.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CLVT mũi có thể cho thấy các polyp sâu trong xoang và vị trí của chúng. Ngoài ra, chụp CLVT cũng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ngạt mũi.
  • Xét nghiệm dị ứng: Các test da có thể cho biết dị nguyên gây dị ứng có phải là nguyên nhân gây viêm hay không. Với test lẩy da, những giọt nhỏ dị nguyên sẽ được chích vào da ở cẳng tay hoặc phần trên của lưng. Sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá đáp ứng dị ứng trên da. Nếu không thể thực hiện các test da ở trên, xét nghiệm máu có thể được sử dụng để sàng lọc tình trạng dị ứng.
  • Đánh giá bệnh xơ nang: Trẻ em bị polyp mũi có thể do mắc bệnh xơ nang. Xơ nang là bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến các tế bào tạo ra chất nhầy, mồ hôi. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh xơ nang là xét nghiệm mồ hôi.
    Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng dị ứng và hệ thống miễn dịch.

Điều trị

Viêm mũi xoang mạn tính, có hoặc không có polyp, rất khó điều trị. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm và kích ứng. Mục đích điều trị là giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị nội khoa

Các thuốc điều trị bao gồm:

  • Steroid xịt tại chỗ: Các loại thuốc xịt mũi này bao gồm fluticasone (Flonase Allergy Relief, Xhance), budesonide (Rhinocort), mometasone (Nasonex 24hr Allergy), triamcinolone (Nasacort Allergy 24HR), beclomethasone (Beconase AQ, Qnasl) và ciclesonide (Omnaris, Zetonna).
  • Steroid đường uống: Một số polyp mũi có thể không đáp ứng thuốc xịt mũi. Nếu vậy, dùng steroid ở dạng thuốc viên như prednisone có thể hiệu quả. Steroid đường uống cũng có thể được dùng để thu nhỏ kích thước polyp trước khi phẫu thuật.
    Steroid đường uống có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với steroid tại chỗ. Vì steroid đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nên các bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc này trong một thời gian ngắn.
    Steroid đường tiêm truyền có thể được sử dụng nếu bệnh nhân bị polyp mũi nặng.
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học hoạt động bằng cách gắn vào một số tế bào đặc biệt hoặc protein nhất định để giảm bớt tình trạng kích ứng và viêm của niêm mạc mũi xoang. Chúng có thể được sử dụng cho những người bị polyp mũi tái phát. Tại Hoa Kỳ, dupilumab (Dupixent), mepolizumab (Nucala) và omalizumab (Xolair) đã được phê duyệt để điều trị viêm xoang mạn tính có polyp mũi.
  • Các thuốc khác: thuốc kháng histamine giúp điều trị tình trạng dị ứng và thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
    Điều trị giải mẫn cảm với aspirin có thể giúp ích cho những người bị polyp mũi và hen phế quản phản ứng nặng với aspirin. Điều trị được theo dõi bởi chuyên gia dị ứng, bao gồm uống aspirin liều thấp để giúp cơ thể quen với việc dùng aspirin. Phẫu thuật cắt bỏ polyp có thể thực hiện trước khi giải mẫn cảm với aspirin.

Phẫu thuật

  • Nếu điều trị nội khoa không làm nhỏ hoặc loại bỏ polyp mũi, phẫu thuật nội soi có thể giúp loại bỏ polyp và khắc phục các vấn đề của mũi xoang dẫn đến polyp mũi.
  • Trong phẫu thuật, ngoài việc lấy đi polyp mũi, bác sĩ cũng có thể đồng thời tiến hành mở rộng các lỗ thông xoang.
  • Sau phẫu thuật, thuốc xịt mũi corticosteroid có thể giúp ngăn ngừa polyp mũi tái phát. Rửa mũi bằng nước muối có thể thúc đẩy quá trình lành vết thương sau phẫu thuật.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Các triệu chứng của viêm mũi xoang mạn tính và polyp mũi cũng giống như nhiều bệnh khác, bao gồm cả cảm lạnh thông thường. Vì vậy, bạn cần thiết đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng mũi kéo dài hơn 10 ngày.

Các triệu chứng cảnh báo viêm mũi xoang có biến chứng:

  • Các triệu chứng nặng lên nhanh chóng.
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
  • Sưng tấy vùng trán.
  • Đau hoặc sưng quanh mắt.
  • Đau đầu nặng, tăng dần.
  • Cổ cứng.

Polyp mũi có thể khiến mũi bạn luôn bị nghẹt. Nếu không được điều trị, chúng có thể cản trở hơi thở của bạn và cuối cùng dẫn đến tổn thương xương và mô. Nếu bạn phát triển các triệu chứng của polyp mũi, hãy đặt lịch khám ngay tại Phòng khám Tai Mũi Họng Hoàng Lê. Tại đây, chúng tôi có thể tìm ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.

>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!