Có nhiều vấn đề về tai như rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm tai gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng nghe, nói. Thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ hiện là một trong những phương pháp tốt nhất hiện nay để giúp khôi phục khả năng nghe, nói ở người bị bệnh lý viêm tai.
Các bước tiến hành:
- Đối với trẻ em cần gây mê, còn người lớn có thể gây tê cục bộ.
- Đưa ống nội soi vào trong ống tai, sau đó chỉnh ống nội soi sao cho màng nhĩ nằm đúng hướng và chính giữa màn hình.
- Gây tê da ống tai: Tiến hành gây tê kiểu tiêm thấm dưới da sao cho da sàn ống tai đến sát bờ màng nhĩ chuyển sang màu trắng nhưng không bị phồng rộp.
- Rạch màng nhĩ ở góc trước dưới bằng dao lưỡi liềm, chiều dài đường rạch từ 1,5 – 2 mm tùy theo loại ống thông khí.
- Đặt ống thông khí màng nhĩ qua lỗ trích rạch theo kiểu cài khuy áo bằng kẹp phẫu tích vi phẫu hoặc bằng que nhọn.
Theo dõi sau phẫu thuật nội soi đặt ống thông khí màng nhĩ
- Theo dõi tình trạng toàn thân, tại chỗ do dị ứng thuốc tê có thể xảy ra.
Tai biến và xử trí:
- Tai biến lúc mổ:
- Chảy máu: Ngay lập tức cần hút sạch, đặt bông adrenalin 0,1% chờ trong khoảng 10 phút, nếu hết chảy máu có thể tiếp tục phẫu thuật.
- Tai biến sau mổ:
- Tụt ống thông khí: Nếu kiểm tra thấy vẫn còn dịch thì cần đặt lại.
- Tắc ống thông khí: Tiến hành nội soi hút sạch chất bít tắc.
- Viêm tai mủ: Nguyên nhân là do khâu vô khuẩn lúc đặt ống không đảm bảo hoặc do viêm mũi họng cấp hoặc do dị ứng ống thông khí. Đối với trường hợp này cần phải điều trị bằng cách làm thuốc tai và rỏ thuốc tại chỗ đồng thời điều trị nguyên nhân.
- Tai biến muộn:
- Điếc tiếp nhận: Tai biến này hiếm gặp, hiện nay chưa giải thích được nguyên nhân.
- Cholesteatoma sau mổ là do lớp biểu bì màng nhĩ cuộn vào. Cách xử trí tai biến này là rút ống, mở hòm nhĩ lấy sạch bệnh tích và vá nhĩ.