Phẫu thuật chỉnh hình tai giữa (Tympanoplasty type I, II, III, IV)

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 24/05/2024

Phẫu thuật tạo hình tai giữa là phẫu thuật sửa chữa các cấu trúc giải phẫu của tai giữa, bao gồm lấy bỏ bệnh tích viêm ở tai giữa, tái tạo màng nhĩ, có hoặc không kèm theo tái tạo xương con dưới kính hiển vi phẫu thuật.

phau-thuat-chinh-hinh-tai-giua

 

I. ĐẠI CƯƠNG

Lần đầu tiên vào năm 1956 Wullstein đã tổng kết và phân loại phẫu thuật tạo hình tai giữa thành 5 loại khác nhau (týp I, II, III, IV, V). Đây là cách phân chia điển hình nhất. Sau này nhiều tác giả dựa trên cách phân loại này và cải biên thêm kỹ thuật tạo hình chuỗi xương con rồi tạo hình màng nhĩ. Tùy vào mức độ tổn thương xương con, mảnh vá tạo hình màng nhĩ sẽ được đặt trực tiếp lên các xương còn lại. ở đây chỉ trình bày theo cách phân loại của Wulstein như sau:

– Mục tiêu:

+ Tạo hình màng nhĩ để phục hồi thính lực hoặc chống viêm tai tái diễn do thủng màng nhĩ.

+ Lấy sạch bệnh tích của viêm tai giữa như tổ chức viêm sùi, polyp, cholesteatoma.

+ Tái tạo lại hệ thống dẫn truyền âm thanh của tai giữa (màng nhĩ, xương con) để phục hồi thính lực.

II. CHỈ ĐỊNH

– Thủng màng nhĩ do chấn thương trên 6 đến 12 tháng không liền, nghe kém, có nguy cơ gây viêm tai.

– Viêm tai giữa có thủng màng nhĩ, có kèm theo tổn thương xương con hoặc không.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Chống chỉ định tuyệt đối:

+ Khi người bệnh có bệnh nội khoa kèm theo không đủ điều kiện phẫu thuật.

+ Viêm tai xương chũm có cholesteatoma khó kiểm soát.

– Chống chỉ định tương đối:

Viêm tai giữa tiến triển, chưa ổn định, người bệnh ở xa Trung tâm y tế không có điều kiện theo dõi sau mổ.

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.Chỉnh hình tai giữa týp I

Tạo hình màng nhĩ đơn thuần, lấy bệnh tích viêm ở tai giữa và tạo hình màng nhĩ.

– Đường vào của phẫu thuật:

Thủng ở phần sau hoặc phần dưới màng nhĩ có thể sử dụng đường trong tai hoặc sau tai.

+ Với lỗ thủng rộng toàn bộ màng căng hoặc lỗ thủng ở phần trước thì đường sau tai hoặc đường trong trước tai là tốt nhất.

Trong phạm vi bài này chúng tôi đề cập đến đường vào sau tai.

– Tiêm tê trong ống tai: tiêm thấm sao cho da ống tai đến sát bờ màng nhĩ chuyển màu trắng, không phồng rộp; tiêm tê tổ chức dưới da sau tai.

– Lấy bỏ viền xơ quanh lỗ thủng nhĩ (loại bỏ biểu bì bò qua mép lỗ thủng): thường dùng que nhọn và kẹp phẫu tích.

– Tạo đường vào sau tai: bộ dụng cụ phẫu thuật mở.

+ Rạch da sau tai: đường rạch cách rãnh sau tai khoảng 0,5 đến 1 cm.

+ Chuẩn bị mảnh vá: cân cơ thái dương (1,5 x 2 cm) hoặc sụn và màng sụn hoặc màng sụn (1 x 1,5 cm) lấy ở vành tai hoặc nắp tai.

+ Rạch màng xương hình cánh cung hoặc chữ T, bộc lộ mặt ngoài xương chũm.

+ Rạch da ống tai từ 6 giờ – 10 giờ cách khung nhĩ 5 ly.

– Các thao tác trong ống tai và hòm nhĩ: sử dụng bộ dụng cụ vi phẫu tai.

+ Bóc tách da thành sau ống tai ngoài đến sát khung nhĩ. Tùy thói quen của phẫu thuật viên, tùy kích thước lỗ thủng mà có thể bóc tách màng nhĩ 1 hoặc 2 lớp.

+ Gỡ bệnh tích viêm trong hòm nhĩ, gỡ xơ bám quanh chuỗi xương con.

+ Vá nhĩ: đặt mảnh vá lên khung nhĩ, tỳ lên trên cán búa, (có thể lót gelaspon trong hòm nhĩ để nâng mảnh vá); đặt lại da ống tai và lớp biểu bì của màng nhĩ ra ngoài mảnh vá; chèn gelaspon (giữ lớp biểu bì và da ống tai ngoài ép chặt vào mảnh vá và thành sau ống tai xương).

– Đặt lại da vành tai, dùng tente (mảnh gạc nhỏ) tẩm dầu parafin và kháng sinh hoặc merocel tai chèn vào ống tai ngoài. Khâu phục hồi vết mổ theo lớp giải phẫu. Băng ép.

2. Chỉnh hình tai giữa týp II

– Được chỉ định khi cán xương búa bị ăn mòn, mảnh ghép tạo hình màng nhĩ được đặt lên phần còn lại của xương búa, hoặc trực tiếp lên xương đe.

– Mở sào bào thượng nhĩ lấy hết bệnh tích, lấy bệnh tích quanh xương con; cán búa có thể bị mất, còn lại thân, chỏm xương búa khớp búa đe và xương bàn đạp còn nguyên vẹn. Mảnh ghép tạo hình màng nhĩ được đặt lên phần thân xương búa hoặc trực tiếp lên xương đe.

– Đặt lại da vành tai, dùng tente (mảnh gạc nhỏ) tẩm dầu parafin và kháng sinh hoặc merocel tai chèn vào ống tai ngoài. Khâu phục hồi vết mổ theo lớp giải phẫu. Băng ép.

3. Chỉnh hình tai giữa týp III

– Được chỉ định khi tổn thương mất hai xương búa và xương đe, xương bàn đạp còn nguyên vẹn và di động tốt. Mảnh ghép tạo hình màng nhĩ sẽ được đặt trực tiếp lên chỏm xương bàn đạp.

– Người bệnh được mổ khoét chũm tiệt căn, bộc lộ ngách mặt, ngách nhĩ, lấy hết sùi, cholesteatoma. Lấy một mảnh silastic đặt bắc cầu từ miệng lỗ vòi ngang qua cửa sổ tròn để tạo ra một hòm nhĩ nhỏ tạo điều kiện cho niêm mạc tái tạo lại.

– Đặt mảnh vá màng nhĩ trực tiếp lên chỏm xương bàn đạp, tạo hình ống tai rộng rãi, khâu chỉnh hình cửa tai, nhét bấc dầu kháng sinh.

4. Chỉnh hình tai giữa týp IV

– Được chỉ định khi tổn thương mất xương búa, xương đe, mất cành xương bàn đạp; đế đạp còn và di động tốt. Dùng trong hốc mổ tiệt căn xương chũm. Đế đạp sẽ tiếp nhận âm thanh trực tiếp.

– Lấy hết bệnh tích, làm sạch hốc mổ, đặt một mảnh silastic từ lỗ vòi qua ngang trên cửa sổ tròn tạo một hòm nhĩ nhỏ. Khoang này sẽ giúp cửa sổ tròn đảm bảo hoạt động sinh lý.

– Đặt mảnh ghép tạo hình màng nhĩ tiếp xúc đế xương bàn đạp, tạo hình ống tai rộng rãi, khâu chỉnh hình cửa tai, nhét bấc dầu kháng sinh.

5. Chỉnh hình tai giữa týp V

– Được chỉ định khi tổn thương mất cả 3 xương con, đế xương bàn đạp bị cố định; Chỉ làm ở thì 2, cách lần mổ đầu ít nhất 12 tháng; Đảm bảo sạch bệnh tích.

– Tạo một cửa sổ trên vành bán khuyên ngang.

– Tuy nhiên, phẫu thuật này ít được thực hiện do ít hiệu quả và dễ xảy ra tai biến.

V. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU MỔ

1. Theo dõi

Tình trạng toàn thân, tại chỗ (phòng dị ứng, chảy máu, nhiễm trùng).

2. Chăm sóc sau mổ

– Thay băng ngoài cách ngày.

– Cắt chỉ sau 7 ngày, rát bấc tai sau 7 – 10 ngày.

– Người bệnh tránh viêm mũi họng, nếu hắt hơi nên há miệng.

– Không lao động, mang vác nặng.

– Không để nước vào tai.

– Gelfoam được lấy sau 2 -3 tuần.

– Sau 2 – 3 tháng đo thính lực lại.

VI. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1.Tai biến trong mổ

– Kích thích mê nhĩ: chóng mặt, buồn nôn, nôn thường do động tác mạnh vào xương bàn đạp. Xử trí bằng thuốc giảm chóng mặt (Tanganil 500 mg, tiêm tĩnh mạch), giảm nôn (Primperan 20 mg, tiêm tĩnh mạch).

– Liệt mặt ngoại biên: tổn thương dây VII có thể do bơm nước lạnh, do đụng dập khi bóc tách bệnh tích, do khoan gây nóng. Xử trí bằng corticoid (Solumedrol 40 mg, tiêm tĩnh mạch). Kiểm soát lại vùng mổ loại trừ khả năng dây VII bị đứt, nếu bị đứt nên mổ nối càng sớm càng tốt.

2. Tai biến sau mổ

– Kích thích mê nhĩ.

– Liệt VII ngoại biên.

– Nhiễm trùng: điều trị kháng sinh.

– Chảy máu: băng ép chặt, thuốc cầm máu toàn thân.

3. Tai biến muộn

Nghe kém: có thể do di lệch trụ dẫn.