Máy trợ thính là một thiết bị điện tử nhỏ có thể đặt trong tai hoặc phía sau tai. Nó khuếch đại âm thanh giúp cho người nghe kém có thể giao tiếp, hoạt động bình thường. Có thể giúp bệnh nhân nghe rõ trong không gian tĩnh lặng cũng như khi ồn ào.
Máy trợ thính là gì?
Máy trợ thính là phương pháp điều trị chính cho người bệnh bị nghe kém tiếp nhận. Tình trạng nghe kém này xảy ra do tổn thương tại ốc tai hoặc thần kinh thính giác.
Thiết bị này giúp cải thiện sức nghe nhờ cơ chế khuếch đại âm thanh. Với những trẻ sơ sinh bị nghe kém tiếp nhận, việc đeo máy sớm trước 6 tháng tuổi sẽ giúp cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ. Nếu trẻ bị nghe kém ở cả hai bên tai, việc đeo thiết bị ở cả hai bên là cần thiết.
Máy trợ thính có bốn bộ phận chính:
1. Micrô ghi nhận âm thanh từ môi trường và gửi thông tin đến bộ khuếch đại.
2. Chip máy tính giúp phiên giải thông tin về tình trạng nghe kém của trẻ để xử lý.
3. Bộ khuếch đại âm thanh và gửi âm thanh đến loa.
4. Loa phát âm thanh đến tai.
Không có một kiểu dáng hay nhà sản xuất nào luôn là tốt nhất cho tất cả trẻ bị nghe kém. Các chuyên gia thính học là người tư vấn giúp lựa chọn máy trợ thính phù hợp nhất cho trẻ.
Có những loại máy trợ thính nào?
Có 2 loại chính:
Máy trợ thính đeo sau tai (Behind-The-Ear):
+ Lựa chọn cho hầu hết trẻ nhỏ là máy trợ thính đeo sau tai vì loại này dễ thay thế khi trẻ lớn lên.
+ Cấu tạo gồm hai phần chính:
- Hộp nhựa cứng nhỏ đặt ở sau tai chứa tất cả thiết bị điện tử chức năng của máy trợ thính và pin.
- Núm tai được tạo khuôn vừa vặn với phần ngoài của ống tai ngoài. Một ống nhựa nối núm tai với máy trợ thính ở sau tai. Âm thanh khuếch đại được truyền từ máy trợ thính qua núm tai vào ống tai ngoài.
Máy trợ thính trong tai (In-The-Ear):
- Thiết bị này được thiết kế để nằm gọn hoàn toàn trong ống tai ngoài. Cũng giống như máy đeo sau tai, máy trong tai được cấu tạo bởi một vỏ nhựa cứng được khuôn vừa với ống tai ngoài, trong đó chứa toàn bộ các thiết bị điện tử chức năng của máy trợ thính. Thiết bị này có nhiều kích cỡ khác nhau. Việc lựa chọn từng loại máy phụ thuộc vào trẻ và mức độ nghe kém.
- Chuyên gia thính học sẽ đánh giá và tư vấn loại máy phù hợp cho con của bạn. Núm tai sẽ được làm để vừa khít với tai của trẻ và sẽ được thay thế khi trẻ lớn lên.
- Đôi khi, máy trợ thính sẽ được tích hợp thêm micrô hoặc hệ thống FM (Frequency Modulation – Điều hòa tần số). Hệ thống FM giúp trẻ nghe được giọng nói của giáo viên ngay cả trong lớp học có nhiều tiếng ồn. Giáo viên sẽ đeo một chiếc micro nhỏ và một bộ phát gửi âm thanh trực tiếp đến máy trợ thính qua đường truyền FM hoặc Bluetooth không dây. Hệ thống này cũng có thể được sử dụng ở nhà hoặc ở những nơi có nhiều tiếng ồn khác.
Bảo quản máy như thế nào?
Các hướng dẫn bảo quản và vệ sinh máy sẽ được đính kèm cùng bộ thiết bị khi mua. Khi sử dụng, bạn cần đảm bảo:
- Lấy sạch ráy tai trên núm tai: Lau sạch bằng vải mềm hoặc khăn giấy hoặc sử dụng dụng cụ làm sạch đi kèm. Không được vệ sinh máy trợ thính bằng bất cứ thứ gì có bề mặt thô ráp.
- Luôn giữ thiết bị khô ráo.
- Kiểm tra pin bằng máy test pin. Thay pin nếu pin yếu. Cất giữ pin ở nơi an toàn để trẻ nhỏ không thể lấy được, vì sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ nuốt phải.
Một số điểm lưu ý?
Có thể mất một khoảng thời gian để con bạn làm quen với việc đeo máy. Bắt đầu từ từ và tăng dần thời gian đeo máy trợ thính cho đến khi con bạn có thể đeo máy trợ thính hầu hết thời gian trong ngày.
Cần khám lại định kỳ chuyên gia thính học và bác sĩ tai mũi họng để đảm bảo thiết bị hoạt động tốt và đảm bảo núm tai vẫn vừa vặn.
>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!