Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai giúp bỏ qua các cấu trúc của tai trong bị hỏng để kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác. Nếu bạn bị mất thính lực nặng sâu thì phẫu thuật cấy ốc tai điện tử có thể là phương pháp điều trị thích hợp hơn so với máy trợ thính.
Cấy điện cực ốc tai là gì?
Cấy điện cực ốc tai là phẫu thuật đặt một thiết bị vào ốc tai của người bệnh bị nghe kém nặng sâu, giúp người đó có thể nghe được âm thanh trở lại.
Ốc tai là một cấu trúc hình xoắn ốc của tai trong. Tại đây, các rung động của âm thanh được chuyển thành tín hiệu điện truyền dọc theo dây thần kinh thính giác lên não giúp chúng ta nhận biết được âm thanh.
Sự khác biệt giữa cấy điện cực ốc tai với máy trợ thính:
- Máy trợ thính khuếch đại âm thanh để người bệnh nghe kém có thể nghe được.
- Cấy điện cực ốc tai bỏ qua các phần ốc tai bị tổn thương, kích thích trực tiếp vào dây thần kinh thính giác. Đây là phương án có thể giúp ích khi người bệnh khi không còn đáp ứng với máy trợ thính.
Điện cực ốc tai hoạt động như thế nào?
Cấu trúc của thiết bị bao gồm:
- Một micro và bộ xử lý giọng nói nằm bên ngoài cơ thể. Micro thu nhận âm thanh và gửi đến bộ xử lý. Bộ xử lý giọng nói là một máy tính siêu nhỏ có chức năng biến đổi âm thanh thành thông tin số hóa. Sau đó, tín hiệu số hóa này sẽ được gửi đến thiết bị thu nhận/kích thích.
- Một thiết bị thu nhận/kích thích được đặt dưới da và cơ sau tai. Thiết bị này thu nhận thông tin từ bộ xử lý giọng nói. Thiết bị này chuyển thông tin số hóa thành các xung điện truyền tới ốc tai bằng một sợi dây mỏng tới các điện cực đặt trong ốc tai. Các điện cực kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác. Thông tin này sẽ được dẫn truyền đến não giúp nhận biết âm thanh và hiểu lời nói.
Người bệnh được cấy điện cực ốc tai có thể nghe giống như người bình thường không?
Chất lượng âm thanh từ ốc tai điện tử khác với âm thanh mà người bình thường nghe được. Đó là do mỗi điện cực chỉ có một số lượng bản điện cực hạn chế phải thay thế chức năng của hàng nghìn tế bào lông ốc tai bình thường. Do vậy, âm thanh mà trẻ nghe được từ ốc tai điện tử sẽ không hoàn toàn “tự nhiên”.
Nhưng cấy ốc tai điện tử cho phép một người cảm nhận được âm thanh mà không thể nghe thấy bằng cách nào khác. Những trẻ sơ sinh bị nghe kém nặng khi được cấy điện cực ốc tai sẽ sớm xây dựng các con đường tín hiệu trên não mới để có thể hiểu được những âm thanh này. Cùng với trị liệu và hướng dẫn thực hành, tất cả trẻ đều có thể học cách phiên giải những âm thanh này để hiểu được lời nói.
Điều kiện để có thể cấy điện cực ốc tai
Cấy ốc tai điện tử được cân nhắc cho trẻ bị nghe kém sâu từ 9 tháng tuổi trở lên.
Nhóm cấy ốc tai điện tử sẽ tư vấn gia đình trẻ quyết định xem liệu cấy điện cực ốc tai có phải là một lựa chọn tốt hay không. Nhóm này bao gồm bác sĩ thính học, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ tâm lý học và một nhân viên xã hội.
- Trẻ được cân nhắc phẫu thuật cần được:
+ Đánh giá sức nghe
+ Đánh giá về lời nói/ngôn ngữ
+ Dùng máy trợ thính một thời gian xem mức độ đáp ứng với máy trợ thính
+ Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để đánh giá tai trong và các xương bao quanh.
- Trẻ em có thể không được cấy điện cực ốc tai nếu:
+ Sức nghe của trẻ “còn tốt” (trẻ có thể nghe được một số âm thanh và lời nói khi đeo máy trợ thính).
+ Nghe kém không phải do nguyên nhân từ ốc tai.
+ Trẻ bị nghe kém sâu trong một thời gian rất dài.
+ Tổn thương hoặc không có dây thần kinh thính giác.
Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai được tiến hành như thế nào?
Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Trẻ sẽ ngủ trong suốt toàn bộ quá trình phẫu thuật và không cảm thấy đau.
Bác sĩ phẫu thuật:
- Rạch một đường mổ ở phía sau tai, đặt thiết bị ngoài dưới da gắn với hộp sọ.
- Đặt chuỗi điện cực vào các vòng xoắn ốc của ốc tai.
- Cố định thiết bị cấy ghép đúng vị trí, khâu đóng vết mổ.
Tùy thuộc vào sức nghe của trẻ, bác sĩ có thể đề nghị nên cấy ốc tai điện tử hai bên cho trẻ, mỗi điện cực cho một bên tai. Có thể thực hiện trong một hoặc hai cuộc phẫu thuật riêng biệt. Những trẻ được cấy ốc tai điện tử hai bên có khả năng xác định vị trí âm thanh tốt hơn, nghe rõ hơn trong môi trường tiếng ồn và có thể nghe âm thanh từ cả hai phía mà không cần phải quay đầu.
Nguy cơ sau phẫu thuật
Tất cả các cuộc phẫu thuật đều có những nguy cơ. Các vấn đề thường gặp nhất sau phẫu thuật cấy điện cực ốc tai bao gồm:
- Nhiễm trùng tại chỗ
- Ù tai
- Chóng mặt hoặc vấn đề thăng bằng
- Tê bì vùng quanh tai
Những nguy cơ hiếm gặp bao gồm:
- Liệt mặt
- Rò dịch não tủy
- Điện cực không hoạt động
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương (viêm màng não)
Trẻ được cấy ốc tai điện tử có nguy cơ mắc một số loại viêm màng não cao hơn. Vì vậy, điều quan trọng là cần cho trẻ tiêm chủng đúng thời hạn. Trẻ trên 2 tuổi được cấy điện cực ốc tai nên được tiêm phòng vắc xin phế cầu để giúp bảo vệ chống lại bệnh viêm màng não.
Cách sử dụng thiết bị
Sau phẫu thuật 2-4 tuần, bác sĩ thính học sẽ bật máy ốc tai điện tử và sẽ hiệu chỉnh điện cực trong khoảng một vài tuần để phù hợp nhất với nhu cầu nghe của trẻ. Ngoài ra, bác sĩ cũng hướng dẫn dạy bạn cách chăm sóc và sử dụng thiết bị này.
Trẻ được cấy điện cực ốc tai sẽ được bắt đầu trị liệu phục hồi chức năng thính giác và trị liệu ngôn ngữ và lời nói ngay sau khi phẫu thuật. Phục hồi chức năng thính giác giúp trẻ xác định âm thanh và liên kết ý nghĩa với những âm thanh đó. Trị liệu ngôn ngữ giúp trẻ phát triển và hiểu lời nói. Những buổi trị liệu diễn ra một hoặc hai lần mỗi tuần trong thời gian ít nhất một năm.
Một số điều cần lưu ý
Hầu hết trẻ được cấy điện cực ốc tai đều có kết quả tốt nhưng kết quả có thể khác nhau. Khả năng nghe và giao tiếp của trẻ còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Tuổi bắt đầu bị nghe kém
- Nguyên nhân gây nghe kém
- Tuổi được cấy điện cực ốc tai
- Các bệnh lý, khiếm khuyết khác kèm theo
Bố mẹ có thể giúp đỡ trẻ như thế nào?
Sau phẫu thuật, trẻ cần sự hỗ trợ lớn từ bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Bố mẹ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng nói của trẻ. Các nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ đưa cho bố mẹ trẻ những chương trình giáo dục và đào tạo cho trẻ cấy điện cực ốc tai để bố mẹ có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sau cấy điện cực.
Ngoài ra, bố mẹ có thể trao đổi cùng nhóm cấy điện cực ốc tai để hiểu được kết quả mong đợi sau khi cấy điện cực cho trẻ.
>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!