Nghe kém ở trẻ em: Mọi điều cha mẹ cần biết!

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 31/05/2024

Mất thính giác là một vấn đề xảy ra ở tai trẻ làm giảm khả năng phát hiện âm thanh. Mất thính lực có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai và ở mức độ từ nhẹ đến sâu. Ngay cả tình trạng mất thính lực nhẹ cũng có thể cản trở khả năng nói và ngôn ngữ của trẻ.

nghe-kem

 

Nghe kém là gì?

Trẻ bị mất thính lực hoặc khiếm thính gặp khó khăn khi nghe hoặc hiểu một số hoặc tất cả âm thanh. Điều này có thể xảy ra khi có vấn đề với:

  • Một hoặc nhiều bộ phận của tai
  • Dây thần kinh gửi tín hiệu âm thanh từ tai đến não
  • Phần vỏ não tiếp nhận các tín hiệu này

Phân loại nghe kém

nghe-kem

Các loại nghe kém bao gồm:

  • Nghe kém dẫn truyền: Tình trạng này xảy ra do có tổn thương ở tai ngoài và tai giữa, làm cản trở âm thanh truyền đến tai trong. Nhiễm trùng tai, nút ráy tai và các vấn đề về xương con ở tai giữa là những nguyên nhân phổ biến gây ra loại nghe kém này.
  • Nghe kém tiếp nhận: Tình trạng này xảy ra khi tai trong (ốc tai) hoặc dây thần kinh thính giác bị tổn thương. Nghe kém tiếp nhận có thể do di truyền, là một phần của các hội chứng di truyền hoặc do một số bệnh nhiễm trùng hoặc thuốc gây tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh gây ra.
  • Nghe kém hỗn hợp: Là khi một người bị vừa bị nghe kém dẫn truyền và vừa bị nghe kém tiếp nhận..
  • Nghe kém trung ương: Điều này xảy ra khi có tổn thương ở phần não kiểm soát thính giác.
  • Rối loạn xử lý tín hiệu thính giác (Auditory processing disorder APD): Đây là lúc tai và não không phối hợp tốt với nhau. Trẻ mắc APD có thính giác bình thường nhưng có điều gì đó cản trở cách não nhận biết và hiểu âm thanh, đặc biệt là lời nói.

Các nguyên nhân gây nghe kém?

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến mất thính lực nhưng thường không tìm ra nguyên nhân. Nghe kém có thể xuất hiện ở trẻ:

  • Bị dị tật bẩm sinh ở tai hoặc có thành viên trong gia đình bị nghe kém khi còn nhỏ
  • Sinh non và/hoặc nằm lồng kính trong phòng hồi sức sơ sinh (NICU)
  • Bị vàng da sơ sinh với nồng độ bilirubin cao
  • Bị viêm tai nhiều lần, thủng màng nhĩ hoặc tiếp xúc với âm thanh lớn
  • Bị nhiễm trùng như viêm màng não hoặc cytomegalovirus
  • Đã được cho dùng các loại thuốc gây độc cho tai có thể dẫn đến mất thính giác.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nghe kém?

nghe-kem

Thật khó để biết liệu một đứa trẻ có bị mất thính lực hay không, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Những người bị mất thính lực có thể không phản ứng với âm thanh hoặc lời nói. Sự phát triển ngôn ngữ có thể bị trì hoãn.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu con bạn không đạt được các mốc thính giác này trong các năm đầu đời:

  • Trẻ sơ sinh giật mình trước những tiếng động lớn đột ngột.
  • Đến 3 tháng tuổi nhận biết được giọng nói của bố mẹ.
  • Khi được 6 tháng, quay mắt hoặc hướng về phía một âm thanh mới và lặp lại các âm thanh (như “ooh” và “aah”).
  • Khi được 12 tháng, phát ra những âm thanh bập bẹ, gọi tên, bắt chước các từ và nói một vài từ như “mama” hoặc “bye-bye”.

Khi con bạn lớn lên, các dấu hiệu mất hoặc suy giảm thính lực có thể bao gồm:

  • Nói hạn chế, không rõ ràng hoặc không thể giao tiếp
  • Dường như không chú ý hoặc làm theo chỉ dẫn
  • Không đáp ứng với lời nói ở cấp độ hội thoại hoặc trả lời không phù hợp
  • Dễ nản lòng, không nghe được khi có nhiều tiếng ồn xung quanh
  • Cần âm lượng TV cao hơn
  • Vấn đề về học tập

Một số vấn đề về thính giác xuất hiện dần dần sau khi sinh hoặc xuất hiện muộn hơn trong cuộc sống. Nhiều trẻ lớn lên, mặc dù không bị điếc hoàn toàn, nhưng vẫn bị nghe kém, tình trạng nghe không đầy đủ này sẽ làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập, giao tiếp và cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn lo lắng về thính giác của con mình, hãy nói chuyện với bác sĩ. Con bạn có thể cần gặp bác sĩ Tai Mũi Họng để đánh giá thính giác một cách đầy đủ.

Nghe kém được chẩn đoán như thế nào?

Tốt nhất là nên phát hiện sớm các vấn đề về thính giác vì việc điều trị sẽ thành công hơn nếu bắt đầu trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đó là lý do tại sao mọi trẻ sơ sinh đều được sàng lọc thính giác trước khi xuất viện.

Tất cả các trẻ khi sinh ra đều cần được khám sàng lọc thính giác.

Nếu con bạn không được khám sàng lọc trước khi về nhà hoặc được sinh ra tại nhà hoặc trung tâm hộ sinh, hãy kiểm tra thính giác của con trong vòng 3 tuần đầu đời. Không vượt qua cuộc kiểm tra thính giác này không có nghĩa là trẻ bị mất thính lực, nhưng điều đó có nghĩa là trẻ cần được kiểm tra lại càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng một tháng sau khi sinh. Nếu phát hiện mất thính lực, việc điều trị nên bắt đầu ngay lập tức.

Trẻ em có thính giác bình thường nên tiếp tục được kiểm tra thính giác khi khám sức khỏe định kỳ. Kiểm tra sàng lọc thính giác thường được thực hiện ở độ tuổi 4, 5, 6, 8 và 10 tuổi và trong những năm trước tuổi thiếu niên. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thính lực bất cứ khi nào có điều bất thường.

Điều trị nghe kém như thế nào?

nghe-kem

Việc điều trị tùy thuộc vào loại nghe kém, nguyên nhân gây ra tình trạng này và mức độ nghe kém nặng đến mức nào. Trẻ bị mất thính lực vĩnh viễn nên được khám bởi một nhóm chuyên gia bao gồm bác sĩ tai mũi họng (TMH), chuyên gia thính học, nhà trị liệu ngôn ngữ nói và chuyên gia giáo dục.

Các phương pháp điều trị y tế, trị liệu và phẫu thuật có thể giúp trẻ cải thiện một số dạng mất thính lực. Bao gồm:

  • Máy trợ thính. Máy trợ thính làm cho âm thanh to hơn. Trẻ bị mất thính lực vĩnh viễn được đeo máy trợ thính trước 6 tháng tuổi sẽ có cơ hội cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ. Không có một kiểu dáng hay nhà sản xuất nào là tốt nhất cho mọi đứa trẻ. Bác sĩ sẽ giúp bạn chọn máy trợ thính dựa trên nhu cầu của con bạn. Hầu hết các trẻ khiếm thính đều đeo hai máy trợ thính ở cả 2 tai..
  • Hệ thống điều chỉnh tần số Frequency modulation (FM): Hệ thống điều chỉnh tần số giúp làm giảm tiếng ồn xung quanh và làm cho âm thanh của người nói to hơn. Người nói chuyện (giống như một giáo viên) đeo một chiếc micro nhỏ và một máy phát. Máy phát gửi tín hiệu điện đến máy thu không dây mà trẻ đeo trên tai hoặc trực tiếp trong máy trợ thính. Nó có tính di động và cũng có thể được sử dụng ở nhà hoặc những nơi khác có nhiều tiếng ồn xung quanh.
  • Cấy ốc tai điện tử có thể giúp trẻ bị mất thính lực nghiêm trọng mà không còn đáp ứng với máy trợ thính. Thiết bị này sẽ bỏ qua những phần tai không hoạt động bình thường. Nó kích thích trực tiếp vào dây thần kinh thính giác. Với sự đào tạo và trị liệu ngôn ngữ sau mổ, trẻ cấy ốc tai điện tử có thể học được cách nghe và nói rất tốt.
  • Phục hồi thính giác giúp trẻ khiếm thính bẩm sinh học cách lắng nghe và giao tiếp. Điều này có thể bao gồm trị liệu thính giác-lời nói (AVT), trị liệu ngôn ngữ, lời nói (môi) hoặc học Ngôn ngữ ký hiệu (ASL). Bác sĩ Tai Mũi Họng và chuyên gia thính học sẽ làm việc với bạn và con bạn để tìm ra cách tốt nhất để con bạn giao tiếp.

Tôi cần biết thêm thông tin gì khác không?

Ngay cả tình trạng nghe kém nhẹ cũng có thể gây ra các vấn đề về lời nói, ngôn ngữ, học tập và kỹ năng xã hội. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị khiếm thính nên được đăng ký tham gia chương trình can thiệp sớm, một dịch vụ cung cấp các liệu pháp cho trẻ đủ điều kiện. Trẻ lớn hơn có thể đủ điều kiện nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt khi đến trường. Nhận được sự trợ giúp này sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự chậm trễ ngôn ngữ và cải thiện sự phát triển của trẻ.

>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!