Nghe kém: Một vấn đề thường gặp ở người lớn tuổi

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 24/07/2024

Nghe kém ở người lớn tuổi là một quá trình lão hóa tự nhiên không thể đảo ngược nhưng có thể làm chậm hoặc giảm nhẹ các triệu chứng nếu có phương pháp can thiệp từ sớm.

nghe-kem

Đại cương

Nghe kém là một tình trạng thường gặp gây ra bởi tiếng ồn lớn, tuổi cao, bệnh lý, hay các biến đổi di truyền. Khoảng 1/3 người lớn tuổi có nghe kém, và khả năng tiến triển nghe kém tăng theo tuổi. Những người nghe kém có thể cảm thấy khó khăn trong giao tiếp với bạn bè và gia đình. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời khuyên từ bác sĩ, phản ứng với các cảnh báo, chuông cửa hay báo động.

Một số người không muốn thừa nhận rằng họ có vấn đề về thính giác. Các bất thường về thính giác nếu không được điều trị hay bị bỏ qua có thể trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì về thính giác, hãy gặp bác sĩ ngay. Máy trợ thính, tập luyện đặc biệt, một số thuốc, và phẫu thuật cấy ghép là một số phương pháp điều trị nghe kém.

Dấu hiệu của nghe kém

Một số người có vấn đề về thính giác nhưng không nhận ra. Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn:

  • Gặp khó khăn trong việc hiểu mọi người nói gì qua điện thoại
  • Cảm thấy khó khăn trong việc theo dõi các cuộc trò chuyện khi có hai hoặc nhiều người hơn đang nói cùng một lúc
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nhắc lại điều họ đã nói.
  • Cần phải tăng âm lượng của TV lên cao trong khi những người khác phàn nàn về nó
  • Gặp vấn đề về hiểu lời nói do tiếng ồn của môi trường xung quanh
  • Nghĩ rằng mọi người đang nói thầm, nói lầm bầm
  • Không thể hiểu mọi người nói gì khi người nói có giọng nói với tần số cao hơn

Các loại nghe kém

nghe-kem

Bệnh nhân nghe kém đến với nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể dao động từ nghe kém nhẹ, ở những người bị giảm khả năng nghe ở một số âm thanh tần số cao, đến nghe kém hoàn toàn.

Điếc đột ngột

Hay còn được gọi là nghe kém tiếp nhận thần kinh đột ngột, là tình trạng nghe kém tiến triển nhanh mà không rõ nguyên nhân. Nó có thể tiến triển trong một lúc hay kéo dài vài ngày. Tình trạng này nên được coi là tình trạng cấp cứu. Nếu bạn hay người quen của bạn bị nghe kém đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Nghe kém liên quan đến tuổi

Nghe kém liên quan đến tuổi, hay được gọi là giảm thính lực do tuổi, xuất hiện dần dần khi một người già đi. Nó thường có tính chất di truyền và có thể xảy ra bởi sự thay đổi của tai trong và dây thần kinh thính giác, là những bộ phận dẫn truyền tín hiệu từ tai lên não. Lão thính có thể làm một người khó khăn trong nghe những âm thanh lớn hay trong việc hiểu những gì người khác nói
Nghe kém do tuổi thường xảy ra ở cả hai tai, ảnh hưởng đến chúng như nhau. Bởi vì tình trạng nghe kém tiến triển từ từ do đó một người bị lão thính có thể không nhận ra họ đang mất đi khả năng nghe của mình. Nghe kém do tuổi có thể xuất hiện rất sớm từ trung niên, nên bệnh nhân không nên chủ quan.

Ù tai

Ù tai cũng là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi. Nó được mô tả đặc trưng như là tiếng chuông rung bên tai, nhưng cũng có thể giống như tiếng gầm gừ, tiếng lách cách, tiếng gió, hay tiếng ve kêu. Nó có thể xuất hiện rồi biến mất. Nó có thể được nghe thấy bởi một hay cả hai tai, và có thể ầm ĩ hay êm dịu hơn. Ù tai đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của nghe kém ở người lớn tuổi. Nó có thể kèm theo bất kỳ loại nghe kém nào.

Ù tai là một triệu chứng, không phải một bệnh. Đôi khi chỉ đơn giản là có cục ráy tai bịt kín ống tai ngoài cũng gây ù tai. Nó cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý khác như tăng huyết áp hay dị ứng. Ù tai có thể xuất hiện do các tác dụng phụ của một số thuốc.

Các nguyên nhân gây nghe kém

nghe-kem

  • Tiếng ồn lớn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nghe kém. Tiếng ồn từ máy cắt cỏ, máy thổi tuyết hay tiếng nhạc lớn có thể gây tổn thương tai trong và hậu quả dẫn đến nghe kém vĩnh viễn. Những tiếng ồn lớn cũng gây nên ù tai. Bạn có thể phòng ngừa nghe kém do tiếng ồn bằng cách giảm âm lượng trên các thiết bị của bạn, tránh những âm thanh lớn, sử dụng nút tai hay thiết bị bảo vệ tai khác.
  • Ráy tai hay tích tụ dịch trong ống tai có thể gây ra nghe kém do chặn âm thanh đi vào màng nhĩ để đến tai trong. Nếu ráy tai bị tắc nghẽn, bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị để làm mềm ráy tai trước.
  • Màng nhĩ bị thủng cũng có thể là nguyên nhân gây nghe kém. Màng nhĩ có thể bị thủng do viêm, áp lực, hay do nhét đồ vật vào trong tai, bao gồm cả tăm bông. Đến khám ngay khi bạn có biểu hiện đau tai kèm chảy dịch từ tai.
  • Các tình trạng sức khoẻ hay bệnh lý tuổi già như đái tháo đường, tăng huyết áp có thể góp phần gây nghe kém. Viêm tai gây ra bởi virus hay vi khuẩn (viêm tai giữa), bệnh lý tim mạch, đột quỵ, chấn thương sọ não, hay khối u cũng có thể ảnh hưởng đến sức nghe của bạn.
  • Nghe kém cũng có thể là hậu quả khi sử dụng một số loại thuốc gây độc tai trong, đôi khi là tổn thương vĩnh viễn. Các thuốc này có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng nặng, ung thư, hay bệnh lý tim mạch. Chúng cũng bao gồm một số kháng sinh, và thậm chí là aspirin ở một số liều. Nếu bạn cảm thấy có vấn đề trong khi sử dụng thuốc, báo lại bác sĩ ngay.
  • Các đột biến gen có thể gây ra nghe kém. Không phải tất cả các dạng nghe kém di truyền đều biểu hiện rõ khi sinh. Một số loại có thể xuất hiện muộn hơn. Ví dụ như xốp xơ tai, là một bệnh lý có tính di truyền, liên quan đến sự phát triển bất thường của xương khiến các cấu trúc bên trong tai không hoạt động bình thường.

Ảnh hưởng của giảm thính lực với sức khỏe

Giảm thính lực có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn tuổi bị giảm thính lực có nguy cơ cao hơn của việc mắc chứng mất trí nhớ so với những người không nghe kém. Khả năng nhận thức (bao gồm trí nhớ và sự tập trung) suy giảm nhanh hơn ở những người cao tuổi bị nghe kém. Một phân tích gần đây về nhiều nghiên cứu cho thấy những người sử dụng các thiết bị hỗ trợ thính giác (như máy trợ thính, hay cấy điện cực ốc tai) có ít nguy cơ của việc suy giảm nhận thức lâu dài hơn so với những người không được điều trị.

Những người lớn tuổi không thể nghe tốt có thể trở nên trầm cảm hoặc xa lánh mọi người bởi họ cảm thấy thất vọng hoặc xấu hổ vì không hiểu những gì mọi người đang nói. Đôi khi, những người già bị nhầm tưởng là đang bối rối, không phản ứng, hay không hợp tác do họ không thể nghe rõ. Những trường hợp này có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội và nỗi cô đơn.

Mất thính giác, dù một lượng nhỏ, cũng có liên quan đến tăng nguy cơ ngã. Nó cũng ảnh hưởng đến sự an toàn của cá nhân cũng như cộng đồng, chẳng hạn như khả năng lái xe an toàn, khi mà họ khó nghe thấy các âm thanh cảnh báo, tiếng còi xe.

Làm sao để đối mặt với tình trạng nghe kém?

Nếu bạn có dấu hiệu nghe kém, hãy gặp bác sĩ của bạn. Nếu bạn có khó khăn trong việc nghe, bạn nên:

  • Nói với người thân và bạn bè rằng bạn có vấn đề về sức nghe
  • Yêu cầu mọi người hướng mặt về bạn khi nói chuyện và nói to, rõ ràng hơn
  • Yêu cầu họ nhắc lại hay diễn đạt lại những gì họ đã nói
  • Tập trung vào những gì đang được nói đến cùng với nét mặt và cử chỉ của người nói
  • Hãy nói cho người đang nói chuyện với bạn biết nếu bạn đang không hiểu những gì họ nói
  • Tìm một vị trí tốt để lắng nghe. Đặt mình giữa người nói và nguồn tiếng ồn hoặc tìm một nơi yên tĩnh hơn để nói chuyện

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi bạn cho rằng mình đang có vấn đề về thính lực là tìm lời khuyên từ các chuyên gia. Bác sĩ Tai Mũi Họng có thể chẩn đoán và điều trị các vấn đề về giảm thính lực.

Các công cụ hỗ trợ tình trạng giảm thính lực

nghe-kem

Có rất nhiều loại công cụ có khả năng giúp đỡ những người giảm thính lực. Các thiết bị này có thể khuếch đại âm thanh, đưa ra các cảnh báo, và giúp bạn giao tiếp với những người khác. Ví dụ, hệ thống cảnh báo hoạt động với chuông cửa, thiết bị phát hiện khói, và đồng hồ báo thức để gửi các tín hiệu hình ảnh hoặc rung động. Các thiết bị sử dụng bàn phím, màn hình cảm ứng hay chuyển văn bản thành giọng nói có thể giúp bạn cung cấp và nhận nhiều thông tin chính xác và hiệu quả hơn.

Máy trợ thính là thiết bị điện tử, chạy bằng pin giúp tạo ra âm thanh lớn hơn. Hãy gặp bác sĩ Tai Mũi Họng để có thể đánh giá đúng mức độ nghe kém và tư vấn máy trợ thính. Sau đó các chuyên gia sẽ lắp đặt và điều chỉnh máy trợ thính để phù hợp với bạn.

Cấy ốc tai điện tử là một loại thiết bị hỗ trợ khác, có thể giúp cho bệnh nhân điếc sâu hay nghe kém nặng. Trong khi máy trợ thính là cho âm thanh trở nên to hơn, giúp tai bị bệnh có thể nghe thấy, điện cực ốc tai chuyển âm thanh bên ngoài thành tín hiệu điện mà não bộ có thể nhận biết là âm thanh. Điện cực ốc tai cần phẫu thuật và trị liệu nghe sau đó.

Nói chuyện với những người nghe kém như thế nào?

Dưới đây là một số mẹo bạn có thể sử dụng khi nói chuyện với ai đó gặp vấn đề về sức nghe:

  • Trong một nhóm, hãy chú ý mời những người nghe kém tham gia vào câu chuyện
  • Tìm một nơi yên tĩnh để nói chuyện, giảm tiếng ồn xung quanh
  • Đứng ở nơi có ánh sáng tốt và sử dụng nét mặt hoặc cử chỉ để đưa ra gợi ý.
  • Đứng đối diện với họ, nói to rõ ràng, duy trì giao tiếp bằng mắt
  • Nói to hơn bình thường nhưng đừng hét
  • Cố gắng nói tự nhiên và với tốc độ hợp lý
  • Đừng che miệng bạn, ăn, hay nhai kẹo cao su khi nói chuyện
  • Nhắc lại nếu cần
  • Đảm bảo chỉ có một người nói tại một thời điểm
  • Hãy kiên nhẫn. Người bị nghe kém có thể tự ti bởi tình trạng của họ
  • Hỏi họ có cần giúp đỡ không

>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!