Phẫu thuật tai xương chũm trong viêm tắc tĩnh mạch bên

TMH Hoàng Lê TMH Hoàng Lê - 25/04/2024

Viêm tĩnh mạch bên do tai là viêm ở xung quanh tĩnh mạch bên, ở thành hoặc viêm tắc hoàn toàn tĩnh mạch bên do tai gây ra. Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nội sọ như viêm màng não, apxe ngoài màng cứng hoặc viêm tắc tĩnh mạch lan rộng.

phau-thuat-tai-xuong-chum-trong-viem-tac-tinh-mach-ben

Viêm tĩnh mạch bên là bệnh lý viêm nhiễm tĩnh mạch ở xung quanh, ở thành hoặc viêm tắc hoàn toàn tĩnh mạch bên. Tĩnh mạch bên là một phần của tĩnh mạch nội sọ và có tỷ lệ viêm cao nhất bởi đường kính lớn, đường đi khá ngoằn nghèo cũng như tốc độ chảy của dòng máu khá chậm.

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tĩnh mạch tai có thể kể đến như sau:

  • Do bệnh lý viêm xương chũm cấp và mạn tính gây ra, thường vào thời điểm hồi viêm khi có cholesteatoma.
  • Tổn thương do phẫu thuật khoét chũm
  • Do một số vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu hoặc vi khuẩn kị khí khác gây ra
  • Biến chứng nội sọ do tai cũng có thể gây ra viêm tĩnh mạch bên tai.

Bệnh viêm tĩnh mạch bên do tai có thể phối hợp với bệnh viêm màng não gây ra áp xe tiểu não, áp xe phổi và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Về cơ chế phát triển của bệnh thường xuất phát từ các bệnh tích ở tai, xương chũm và tới tĩnh mạch theo các đường như đường kế cận, đường mạch máu, từ một ổ viêm khác hoặc qua các khe hở đường nứt vỡ xương.

Người bệnh viêm tĩnh mạch bên do tai thường có những biểu hiện như: Sau sốt cao, nhiễm trùng, buồn nôn, đau đầu khu trú, tai chảy mủ…

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tiến hành phẫu thuật tiệt căn xương chũm cải tiến (xem trình bày về hai kỹ thuật trên).

Rạch thêm một đường ở phía tĩnh mạch bên dài khoảng 3 cm, vuông góc với đường rạch sau tai, bộc lộ rộng xương chũm ra phía sau.

Dùng khoan lấy bỏ toàn bộ nhóm tế bào chũm vùng tĩnh mạch bên bằng mũi khoan phá. Dùng khoan kim cương mài mỏng vỏ xương, rồi dùng dụng cụ bóc tách để mở phần vỏ mỏng, bộc lộ tĩnh mạch.

Quan sát màu sắc, hình thái của thân tĩnh mạch bên, có thể dùng bơm tiêm, kim tiêm nhỏ thăm dò tĩnh mạch. Đánh giá mức độ tổn thương để có giải pháp xử trí thích hợp như chỉ bộc lộ tĩnh mạch bên đến đoạn lành hoặc phải nạo vét tổ chức viêm trong lòng tĩnh mạch, hoặc phải xử trí thắt tĩnh mạch cảnh trong.

Rửa sạch hốc mổ, dùng mảnh cân cơ thái dương phủ lên đoạn tĩnh mạch đã bộc lộ.

Trong trường hợp bệnh tích viêm lớn nên để 1 hốc mổ hở trong một tuần để điều trị kháng sinh tại chỗ, và đóng lại sau một tuần khi mọi dấu hiệu nhiễm khuẩn đã lùi.

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Trong phẫu thuật: có thể chảy máu tĩnh mạch thoát là nhánh của tĩnh mạch bên thường vươn ra ngoài vỏ xương của tĩnh mạch bên. Cầm máu tại chỗ bằng gelaspon hoặc dùng đông điện lưỡng cực đốt, tránh những dụng cụ sắc nhọn gây tổn thương thân tĩnh mạch bên.

Rách tĩnh mạch bên: vừa hút máu vừa dùng miếng gelaspon ép chặt vào chỗ rách sau đó chèn bấc ở phía ngoài.

Sau phẫu thuật: theo dõi nhiễm khuẩn toàn thân và phổi. Một số có trường hợp chảy máu tại chỗ thì dùng bấc hoặc gelaspon; Trường hợp chảy máu lớn thì ít khi xảy ra, nếu có phải mở lại để thắt mạch máu.