Là phẫu thuật nối đoạn hai hoặc đoạn ba dây VII bị đứt rời trong xương chũm do các nguyên nhân khác nhau.
CHỈ ĐỊNH
Đứt rời đoạn hai hoặc đoạn ba dây VII do các nguyên nhân: phẫu thuật, chấn thương.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Liệt dây thần kinh VII trong các trường hợp sau:
– Đứt dây VII đoạn ngoài sọ.
– Đứt dây VII trong ống tai trong – hố cầu tiểu não sau phẫu thuật.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Vô cảm
Gây mê toàn thân.
2. Kỹ thuật
2.1. Phẫu thuật xương chũm
Giống như phẫu thuật khoét chũm tiệt căn cải biên kiểu mở hòm nhĩ lối sau, bao gồm các bước sau:
Thì 1: Rạch phần mềm
– Rạch da theo rãnh sau tai, xuống đến mỏm chũm.
– Bóc tách phần mềm về phía trước đến sát ống tai.
– Rạch màng xương: theo đường viền quanh ống tai xương.
– Rạch đường thứ 2 bắt đầu từ điểm giữa của đường rạch trên về phía sau.
– Róc màng xương.
Thì 2: Khoan xương
– Mở vào sào bào
– Mở vào nhóm dưới sào bào nông và sâu.
– Mở về phía sau (nhóm thông bào tĩnh mạch lên gần sát tĩnh mạch bên).
– Mở nhóm thông bào phía sau và tĩnh mạch bên.
– Mở sào đạo và thượng nhĩ khoan về phía trước tìm đến sát chân xương thái dương.
– Mở vào đoạn 3 dây VII: khoan mở rộng nhóm thông bào nằm giữa tĩnh mạch bên và tường dây VII, bộc lộ đoạn 3 dây VII (thì này dùng khoan kim cương).
– Bộc lộ đoạn 2 dây VII, mở hòm nhĩ lối sau:
– Khoan một lỗ hình tam giác thông vào hòm nhĩ ngang với ngành ngang xương đe.
– Khoan rộng xuống dưới dọc theo mặt ngoài đoạn 3 dây VII để thấy cửa sổ tròn.
2.2. Phẫu thuật trên dây VII
Thì này phụ thuộc vào tổn thương của dây VII là mới hay cũ.
Nếu tổn thương mới trong lúc phẫu thuật hai đầu đứt của dây VII chưa kịp co lại, ta dùng chỉ 10.0 khâu vỏ bao lại, thường chỉ cần khâu 3 mũi là đủ, viền xung quanh vỏ bao.
Nếu tổn thương dây VII đã cũ: thường chỉ được phát hiện sau phẫu thuật, ở loại này 2 đầu đứt của dây VII thường cách xa nhau do các sợi trục bị co lại, ta có thể chọn 1 trong 2 kỹ thuật tùy thuộc vào khoảng cách giữa 2 đầu đứt là xa hay gần.
– Nếu 2 đầu đứt gần (1 – 2 mm): ta sử dụng phương pháp chuyển luồng:
+ Bóc đoạn 2 ra khỏi cống Fallop.
+ Cắt đầu xương, hạ tường dây VII để mở rộng hốc mổ.
+ Nối đoạn 2 và đoạn 3 dây VII đi qua ụ nhô (dưới xương bàn đạp) để làm mất góc tạo bởi đoạn 2 và đoạn 3 dây VII.
+ Dùng chỉ 10.0 khâu nối đoạn 2 và 3 dây VII.
+ Trong trường hợp khâu chưa thể áp sát 2 đầu đứt của dây VII, ta có thể mở rộng đường rạch sau tai xuống phía dưới, khoét rộng vùng mỏm chũm.
+ Bộc lộ đoạn 3 dây VII xuống tận lỗ trâm chũm.
+ Bộc lộ mặt ngoài tuyến mang tai.
+ Nâng và kéo tuyến mang tai lên trên bằng các mũi khâu cố định vào chân bám của cơ ức đòn chũm. Bằng cách này đoạn 3 dây VII sẽ được nâng lên cao hơn.
– Trường hợp hai đầu đứt nằm quá xa (trên 3 – 4 mm) mà không thể sử dụng phương pháp chuyển luồng như vừa mô tả trên, ta bộc lộ dây thần kinh Tai lớn phía sau tai, lấy đoạn thần kinh này ghép vào 2 đầu đứt của dây VII.
Đóng hốc mổ:
+ Lấy mảnh cân cơ thái dương che phủ dây VII.
+ Chèn gelfoam lên mảnh cân cơ.
+ Đóng da sau tai, nhét bấc ống tai.
THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ SAU PHẪU THUẬT
– Chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh toàn thân.
– Kháng viêm.
– Kích thích sự tái tạo sợi trục bằng các vitamin nhóm B tổng hợp.
– Liệu pháp vận động điều trị liệt mặt.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Trật khớp xương con: tai biến này thường gặp khi bộc lộ đoạn 2. Thường trật khớp đe – đạp, cần phát hiện sớm để đặt lại xương đe về đúng vị trí.
– Mở vào ống bán khuyên (hay gặp ống bán khuyên ngoài): gây điếc và chóng mặt.
– Tổn thương tĩnh mạch bên gây chảy máu: cầm máu bằng gelaspon.