Những trẻ em bị suy giảm thính lực gặp khó khăn trong việc nghe và hiểu các âm thanh. Điều này có thể xảy ra khi xuất hiện các vấn đề ở:
- Một phần hoặc nhiều thành phần ở tai
- Thần kinh gửi tín hiệu âm thanh đến não
- Các phần của não có vai trò trong nhận biết những tín hiệu trên
Kể cả nghe kém mức độ nhẹ cũng có thể gây nên những vấn đề về lời nói, ngôn ngữ, học tập và kỹ năng giao tiếp xã hội. Đây là lý do tại sao kiểm tra thính lực cho trẻ từ lúc sinh và thường xuyên là rất quan trọng.
Khi nào nên kiểm tra sức nghe của trẻ?
Tốt nhất là nên phát hiện sớm các vấn đề về sức nghe vì việc điều trị sẽ thành công hơn nếu bắt đầu trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đó là lý do tại sao mọi trẻ sơ sinh đều được kiểm tra thính lực trước khi xuất viện.
Nếu con bạn không được khám sàng lọc trước khi về nhà hoặc được sinh ra tại nhà hoặc trung tâm hộ sinh, hãy kiểm tra thính lực của con trong vòng 3 tuần đầu đời. Không vượt qua cuộc kiểm tra thính giác không có nghĩa là bé bị mất thính lực nhưng điều đó có nghĩa là bé cần được đánh giá thính lực đầy đủ trong vòng 3 tháng. Nếu phát hiện mất thính lực, việc điều trị nên bắt đầu ngay lập tức.
Trẻ em nên tiếp tục được kiểm tra thính giác khi khám sức khỏe định kỳ. Kiểm tra sàng lọc thính giác thường được thực hiện tại các thời điểm:
- Độ tuổi 4, 5, 6, 8 và 10 tuổi
- Tuổi tiền thiếu niên
- Tuổi thiếu niên
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thính giác bất cứ khi nào có điều đáng lo ngại. Hãy cho bác sĩ của con bạn biết nếu bạn lo lắng về vấn đề thính giác.
Kiểm tra thính lực như thế nào?
Thính giác được kiểm tra bởi một chuyên gia thính học. Loại thăm dò họ thực hiện tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Nhiều trẻ em được kiểm tra thính lực hành vi. Các bài kiểm tra này đánh giá xem phản ứng của trẻ với các âm thanh như lời nói đã được hiệu chỉnh (lời nói được phát ra với âm lượng cụ thể) và đơn âm. Đơn âm (âm thuần) là âm thanh có cao độ (tần số) cụ thể, giống như một nốt trên bàn phím.
Trong quá trình kiểm tra, các nhà thính học sẽ theo dõi phản ứng hành vi sau khi trẻ nghe thấy âm thanh. Trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi có thể cử động mắt hoặc quay đầu. Những đứa trẻ lớn hơn có thể di chuyển một mảnh trò chơi để đáp lại âm thanh và một học sinh có thể giơ tay. Trẻ cũng có thể đáp lại lời nói bằng các hoạt động như chỉ vào một bức tranh hoặc đồ chơi hoặc lặp lại các từ một cách nhẹ nhàng.
Các thăm dò khách quan khác có thể được thực hiện để kiểm tra thính giác nếu trẻ còn quá nhỏ hoặc không thể hợp tác với việc kiểm tra hành vi. Những thăm dò này sẽ đánh giá tai, dây thần kinh và não hoạt động như thế nào. Cụ thể về các thăm dò khách quan này sẽ có ở phần sau.
Các thăm dò khách quan khác để kiểm tra tai và thính lực
Nhĩ lượng đồ
Đo nhĩ lượng cho thấy màng nhĩ di động tốt như thế nào và có thể giúp tìm ra các vấn đề về tai giữa, chẳng hạn như dịch phía sau màng nhĩ hoặc màng nhĩ bị thủng.
Trong quá trình kiểm tra này, chuyên gia thính học sẽ đặt một đầu dò đo nhĩ lượng có đầu cao su nhỏ vào tai trẻ. Nó gửi một âm thanh nhẹ và một luồng không khí vào ống tai. Kết quả kiểm tra xuất hiện trên biểu đồ gọi là nhĩ lượng đồ. Hình dạng của đồ thị cho biết màng nhĩ đang chuyển động như thế nào.
Phản xạ cơ bàn đạp
Một cơ nhỏ bên trong tai co lại khi chúng ta nghe thấy một tiếng động lớn. Đây được gọi là phản xạ cơ bàn đạp (MEMR). Phản xạ này giúp bảo vệ tai khỏi những âm thanh lớn có thể gây hại cho thính giác. Các bác sĩ có thể biết được nhiều điều về thính giác của trẻ dựa trên phản xạ này hoạt động như thế nào.
Đối với bài kiểm tra phản xạ cơ bàn đạp, chuyên gia thính học sẽ đặt đầu cao su mềm của máy đo nhĩ lượng vào ống tai của trẻ. Đầu dò tạo ra một loạt âm thanh lớn. Một máy ghi lại phản xạ của cơ bàn đạp phản ứng với âm thanh như thế nào.
Đo âm ốc tai (OAE)
Tai thu nhận âm thanh từ môi trường và biến chúng thành tín hiệu mà não có thể hiểu được. Nhưng đôi khi những tín hiệu này không được gửi đi hoặc bị lộn xộn. Khi điều này xảy ra, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem ốc tai có hoạt động bình thường hay không. Họ sử dụng bài kiểm tra âm ốc tai (OAE)..
Trong quá trình kiểm tra, chuyên gia thính học nhẹ nhàng đưa tai nghe mềm vào từng ống tai. Chúng có đầu xốp nhỏ và mềm dẻo. Tai nghe tạo ra âm thanh có âm vực cao và thấp. Sau đó, máy ghi lại phản ứng do tế bào lông ngoài của ốc tai tạo ra.
Các bệnh viện sử dụng âm ốc tai OAE để sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh. Trẻ không đạt yêu cầu sàng lọc ( REFER) sẽ cần được đánh giá thính giác đầy đủ sau đó.
Đo đáp ứng thính giác thân não (ABR)
Đo đáp ứng thính giác thân não (hoặc ABR) có thể cho biết dây thần kinh thính giác hoạt động như thế nào. Đây là dây thần kinh thính giác dẫn từ tai đến não.
Trong quá trình kiểm tra thính lực, chuyên gia thính học sẽ đặt những chiếc tai nghe nhỏ vào ống tai của trẻ và đặt các điện cực mềm (miếng dán cảm biến nhỏ) phía sau tai và trên trán. Âm thanh click và âm thanh (cao độ) được gửi qua tai nghe. Các điện cực đo phản ứng của dây thần kinh thính giác và não đối với những âm thanh này.
Các bệnh viện sử dụng máy sàng lọc đo đáp ứng thính giác thân não ABR để sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh. Trẻ không đạt yêu cầu sàng lọc này sẽ cần đánh giá ABR hoặc thính giác đầy đủ, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
Ghi đáp ứng thính giác trạng thái ổn định (ASSR)
Các nhà thính học đôi khi thực hiện bài kiểm tra ASSR mà không phải thay thế ABR để hiểu rõ hơn về mức độ nghe kém. Trẻ sơ sinh ngủ hoặc được dùng thuốc để giúp trẻ ngủ trong khi thực hiện thăm dò này.
Trong quá trình kiểm tra, âm thanh đi vào ống tai và máy tính sẽ ghi lại phản ứng của não đối với âm thanh đó.
Đo điện thế khêu gợi thính giác trung ương (Central Auditory Evoked Potential (CAEP) Test)
Bài kiểm tra đo điện thế khêu gợi thính giác trung ương CAEP cho phép nhà thính học xem liệu đường dẫn thính giác từ phần thấp nhất của não (thân não) đến phần thính giác của não (vỏ não thính giác) có hoạt động như bình thường hay không.
Bài kiểm tra này sử dụng những chiếc tai nghe siêu nhỏ và những điện cực nhỏ (miếng dán cảm biến) đặt sau tai và trên trán. Tai nghe phát ra âm thanh clicks và tiếng bíp với nhiều âm sắc khác nhau. Các điện cực đo phản ứng của dây thần kinh thính giác và não đối với âm thanh.
Còn điều gì nữa mà tôi nên biết?
Nếu con bạn được chẩn đoán có vấn đề về thính giác, chuyên gia thính học sẽ hợp tác chặt chẽ với bác sĩ Tai Mũi Họng, nhà trị liệu ngôn ngữ nói và chuyên gia giáo dục để lập kế hoạch điều trị cho con bạn.
Họ cũng có thể giúp bạn gặp gỡ các gia đình khác có trẻ khiếm thính. Hãy liên hệ với các bác sĩ Tai Mũi Họng và các nhóm cộng đồng khiếm thính để có thể hỏi những thông tin cần thiết để tìm cách giải quyết cho con bạn.
>>>>> Tìm hiểu thêm thông tin về các bệnh lý Tai Mũi Họng tại đây!